Trang chủVăn bản pháp luật → NHỮNG QUY ĐỊNH MỚI VỀ KSCL DỊCH VỤ KIỂM TOÁN TRONG THÔNG TƯ 157/2014/TT-BTC

Văn bản pháp luật

NHỮNG QUY ĐỊNH MỚI VỀ KSCL DỊCH VỤ KIỂM TOÁN TRONG THÔNG TƯ 157/2014/TT-BTC

Đăng lúc: 03-03-2016 09:21:32 PM - Đã xem: 5348

Ngày 23/10/2014 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 157/2014/TT-BTC về Quy định kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán thay thế cho các nội dung liên quan đến KSCL đã được quy định tại Quyết định số 32/2007/QĐ-BTC ngày 15/05/2007

Ngày 23/10/2014 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 157/2014/TT-BTC về Quy định kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán thay thế cho các nội dung liên quan đến KSCL đã được quy định tại Quyết định số 32/2007/QĐ-BTC ngày 15/05/2007, và thông tư này có hiệu lực ngay lập tức kể từ thời điểm ký.

 

Thông tư mới ra đời góp phần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hơn hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán độc lập, và hứa hẹn sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ kiểm toán trong tương lai, tạo được sự tin cậy đối với người sử dụng dịch vụ cũng như những người quan tâm khác, đáp ứng được các điều kiện hội nhập của ngành nghề theo xu hướng quốc tế. 

Một số điểm mới đáng lưu ý trong thông tư:

-          Thông tư mới chỉ quy định về KSCL dịch vụ kiểm toán thay thế cho nội dung này trong QĐ 32/2007, theo đó, quy định về KSCL liên quan đến dịch vụ kế toán theo QĐ 32/2007 vẫn còn hiệu lực;

-          Phạm vi điều chỉnh của Thông tư quy định rõ hơn là tổ chức và thực hiện KSCL các dịch vụ bao gồm: kiểm toán, soát xét và đảm bảo khác ngoài kiểm toán và soát xét (và gọi chung trong Thông tư là dịch vụ kiểm toán), trước kia chưa quy định cụ thể từng loại dịch vụ này.

-          Nội dung kiểm tra vẫn bao gồm 2 phần: kiểm tra hệ thống và kiểm tra kỹ thuật, tuy nhiên trong nội dung kiểm tra hệ thống có nhấn mạnh hơn các nội dung về đăng ký và duy trì điều kiện kinh doanh/hành nghề đối với DNKT và KTV hành nghề;

-          Trách nhiệm trong việc quản lý và tổ chức thực hiện KSCL; Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chung, riêng UBCK NN chịu trách nhiệm KSCL đối với DNKT và KTV hành nghề được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán, Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán có trách nhiệm phối hợp với BTC và UBCK NN trong việc thực hiện KSCL;

-          Thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ (Điều 13): quy định chi tiết hơn về thời hạn định kỳ phải kiểm tra đối với từng loại đối tượng, cụ thể:

(1)                 Ít nhất 3 năm một lần đối với DNKT thuộc đối tượng được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán;

(2)                 Ít nhất 4 năm một lần đối với DNKT thuộc đối tượng được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng khác;

(3)                 Ít nhất 5 năm một lần đối với các DNKT không thuộc đối tượng quy định tại 2 điểm nêu trên;

(4)                 Trường hợp kết quả kiểm tra trực tiếp định kỳ của DNKT có ý kiến kết luận chất lượng dịch vụ kiểm toán xếp loại 3 hoặc xếp loại 4 thì DNKT đó sẽ được kiểm tra lại ngay từ 1 đến 2 năm sau đó.

-          Tiêu chuẩn thành viên đoàn kiểm tra (Điều 16): quy định chặt chẽ hơn đối với thành viên Đoàn kiểm tra (trừ cán bộ của BTC và UBCK NN) là phải có chứng chỉ KTV và có tối thiểu 36 tháng kinh nghiệm thực tế hành nghề kiểm toán hoặc đã có 3 năm kinh nghiệm tham gia Đoàn kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán kể từ khi được cấp chứng chỉ KTV tính đến thời điểm thành lập Đoàn kiểm tra;

-          Thành viên đoàn kiểm tra có quyền lập Biên bản vi phạm hành chính ngay khi phát hiện đối tượng có vi phạm hành chính và gửi cho Cơ quan có thẩm quyền để xử phạt theo quy định pháp luật (trước đây không có quy định này). 

-          Kết luận kiểm tra: được đánh giá riêng cho phần kiểm tra hệ thống, kiểm tra kỹ thuật, kết luận chung và chia theo 4 loại, cụ thể như sau: (1) Tốt, (2) Đạt yêu cầu, (3) Không đạt yêu cầu, (4) Yếu kém, có sai sót nghiêm trọng (Trước đây trong QĐ 32/2007 chỉ có kết luận chung và được chia làm 3 loại).

-          Xử lý vi phạm: (1) Đối với DNKT có sai phạm nghiêm trọng về chuyên môn có thể bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán từ 03 đến 06 tháng; (2) Đối với Kiểm toán viên hành nghề có sai phạm sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập (NĐ 105/2013/NĐ-CP);

-          Chi phí cho hoạt động KSCL sẽ do ngân sách Nhà nước đảm bảo theo quy định, thay vì việc thu phí KSCL từ các kiểm toán viên đăng ký hành nghề như hiện nay.

Ngoài ra, điểm mới nhất trong thông tư này là mở ra quy định về trách nhiệm của Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán (CACC) trong việc kiểm soát chất lượng các dịch vụ do hội viên của mình cung cấp, đồng thời thực hiện các hoạt động theo dõi, giám sát cũng như hỗ trợ các hội viên khắc phục, sửa chữa các sai sót, kiến nghị sau khi kiểm tra. Điểm mới này là bước khởi đầu đưa hoạt động KSCL dịch vụ kiểm toán của Việt Nam đi theo hướng của Quốc tế, mà ở đó, nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán. Thông qua hoạt động KSCL để nâng cao chất lượng các dịch vụ do hội viên cung cấp, nâng cao chất lượng ngành nghề nói chung cũng như vị thế, danh tiếng và uy tín của các hội viên nói riêng.

Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam cũng đang trong quá trình xây dựng dự thảo để xin ý kiến các hội viên về Quy chế hoạt động kiểm soát chất lượng các dịch vụ do hội viên cung cấp, cũng đồng thời nhằm mục tiêu phát huy hơn nữa trong việc Gia tăng giá trị hội viên